Sàn đất được hoàn thiện từ đất tự nhiên, có thể làm mát hoặc sưởi ấm không gian theo thời tiết. Tuy nhiên, để sàn đất phát huy được tối đa công năng thì cần thi công sàn đúng kỹ thuật, đủ các lớp chức năng. Hãy theo dõi bài viết để tham khảo cách làm sàn đất đúng chuẩn kỹ thuật nhé!
Sàn đất là gì?
Sàn đất (Earthen Floor) là sàn làm bằng đất đã được nén chặt, đánh bóng và bôi dầu. Dựa trên đặc tính kết dính của đất sét - loại vật liệu xây dựng linh hoạt nhất.
Khi ướt, đất sét nở ra và tạo nên các hạt phân tử kết dính, giống như những giác hút nhỏ. Khi thêm cát thô vào, cường độ nén được tăng lên và giảm độ co ngót khi đất sét khô. Sợi được thêm vào để tăng độ bền kéo và đan mọi thứ lại với nhau, giống như cốt thép trong bê tông.
Hỗn hợp hoàn thiện về cơ bản giống như gạch nung hoặc lõi thép, và việc lắp đặt tương tự như tấm bê tông, chỉ không có tác động môi trường và tính lạnh của xi măng.
Sàn đất tự nhiên được hoàn thiện từ những nguyên liệu dễ kiếm, sẵn có (Ảnh: Sưu tầm)
Trong lịch sử, hầu hết nhà ở đều làm sàn đất - thường là đất nện, thêm một lớp rơm bên trên để giữ ấm và giữ bụi bẩn, sau đó có thể dễ dàng quét dọn và thay thế lớp rơm mới. Lá bạc hà cũng được sử dụng để rải trên sàn, giúp căn phòng giữ mùi hương thơm mát của bạc hà.
Sàn đất hiện đại thông thường được xây theo từng lớp, mỗi lớp đều có mục đích riêng. Như mô tả trên ảnh dưới, bao gồm công năng sử dụng và những vật liệu có thể thay thế (tùy trường hợp) bạn có thể thử.
Các lớp thi công - kết cấu của sàn đất (Ảnh: lowimpact.org)
Hình trên đây mô tả sàn đất được thi công trên lớp nền, tương tự như sàn bê tông. Đây là một phương pháp cơ bản, hoạt động tốt và là giải pháp an toàn trong thi công. Sàn đất có thể được thi công trên sàn có khung, nhưng phải làm chắc chắn để giảm thiểu cong uốn, gây ra hiện tượng nứt vỡ theo thời gian.
Ưu điểm nổi trội của sàn đất
Sàn đất được làm từ đất tự nhiên, là vật liệu xanh trong xây dựng nên mang lại rất nhiều ưu điểm khi sử dụng. Cụ thể như sau:
- Đem lại cảm giác ấm cúng, tự nhiên, nhưng cũng mát mẻ vào mùa hè.
- Đất là loại vật liệu tự nhiên, có thể phân hủy sinh học, không chứa chất độc hại, và không tiêu tốn năng lượng khi xử lý.
- Đất là nguồn nguyên liệu có tại công trình, giảm quãng đường và nhiên liệu khi vận chuyển.
- Vật liệu chính hoàn toàn miễn phí.
- Năng lượng tiêu tốn thấp hơn so với bất cứ loại sàn nào khác và thấp hơn hẳn so với sàn bê tông.
- Chúng cởi mở với sáng tạo - những đồ vật hoặc nguyên liệu tự nhiên như đá có thể được sử dụng để gắn lên sàn.
- Khối lượng tác dụng nhiệt có thể giảm thiểu chi phí sưởi ấm cho căn nhà.
Sàn đất mang lại nhiều ưu điểm khi sử dụng (Ảnh: Sưu tầm)
Cách thi công hoàn thiện sàn đất
Dưới đây, Oliu mô tả một phương pháp thi công sàn đất, tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều phương pháp khác. Hãy nghiên cứu thêm để có thể hiểu từng lớp của sàn đất có chức năng gì. Bạn có thể điều chỉnh và thử nghiệm, nhưng hãy chắc chắn một điều - tránh sàn đất khỏi ẩm ướt.Vậy, chúng ta sẽ bắt đầu từ dưới lên.
Bước 1: Thi công lớp đất nền
Sàn đất khi thi công cần phải nằm trên nền cứng (hoặc có khung cứng, chịu lực tốt) bởi chỉ cần có chuyển động bên dưới, sàn nhà sẽ vỡ. Vậy nên bạn cần đất nền chắc chắn, không có đất mặt (đất bở) hoặc các thành phần hữu cơ khác, vì chúng sẽ phân hủy và co rút theo thời gian, để lại những khoảng trống dưới sàn nhà. Hãy đào cho tới khi thấy đất rắn và chắc, có thể sử dụng máy đầm đất cầm tay để đảm bảo độ nén của đất.
Bước 2: Thi công lớp ngăn mạch nước
Sau khi đã chuẩn bị lớp đất nền chắc chắn, cần rải một lớp sỏi để ngăn nước từ dưới lòng đất thấm lên sàn nhà. Sử dụng các loại sỏi cỡ hạt đậu hoặc đá nền 2cm rải đều 1 lớp dày khoảng 10-15 cm.
Sàn đất có lớp ngăn mạch nước giúp hạn chế hơi nước thoát lên bề mặt sàn (Ảnh: Sưu tầm)
Bước 3: Thi công lớp màng chắn hơi nước
Đặt màng chắn hơi bao phủ toàn bộ diện tích sàn. Đây là lớp kiểm soát độ ẩm cuối cùng cho sàn nhà, ngăn mọi hơi nước từ không khí (bốc hơi từ dưới đất lên). Tấm polyethylene hoạt động giống hệt như tấm dùng trong sàn bê tông. Tuy nhựa không phải vật liệu tự nhiên nhưng có độ bảo đảm tuyệt đối.
Bước 4: Thi công lớp cách nhiệt
Đây là lớp thường bị bỏ sót, nhưng nó quyết định hiệu năng và sự thoải mái cho không gian của bạn. Nếu bạn sống ở nơi có khí hậu nóng, hãy bỏ qua lớp cách nhiệt vì sàn nhà mát mẻ sẽ có lợi. Nhưng nếu bạn muốn sưởi ấm căn nhà, bạn cần giữ nhiệt bên trong thì nên sử dụng tấm cách nhiệt, giúp lượng nhiệt sưởi ấm không bị các lớp đất bên dưới hấp thụ hết.
Sàn đất có thi công lớp cách nhiệt giúp sàn hoạt động tốt hơn (Ảnh: Sưu tầm)
Nên sử dụng tấm cách nhiệt R-10 với sàn thường và tăng lên R-15 với sàn có hệ thống sưởi bức xạ. Nhiệt cần đi theo đường ít cản trở nhất để vào không gian nhà bạn, không phải bị đất hấp thụ hết. Tấm cách nhiệt phải được làm bằng vật liệu không phân hủy được, nếu không theo thời gian sẽ phân hủy, làm sàn nhà của bạn nứt nẻ, phập phồng. Đây là nơi nên sử dụng miếng xốp cứng, vì việc giảm năng lượng theo thời gian sẽ nhanh chóng bù đắp tác động của việc sản xuất xốp này. Một lựa chọn tự nhiên hơn chính là đá khoáng cách nhiệt, như đá pumice hoặc perlite.
Bước 5: Thi công lớp lót
Hai lớp đã hoàn thành, bạn có thể đổ một lớp lót dày trước khi những bức tường được dựng lên. Luồng không khí tự nhiên tràn vào, đẩy nhanh thời gian khô của đất. Tỉ lệ được sử dụng tương tự với đất trát trộn, thường là 15-25% đất sét và 75-85% cát rửa kỹ, nhưng thêm nhiều nước hơn. Với đất trát trộn, một hỗn hợp ẩm khiến bạn không thể xây thêm cho đến khi hỗn hợp khô. Nhưng với sàn, bạn muốn hỗn hợp có thể đổ được, một chất lỏng đặc (tương tự như độ đặc của bột sắn dây) thì rây đất sét tại chỗ qua tấm lưới 1cm là được. Đối với hỗn hợp này, hãy thêm nhiều xơ dài như rơm, hoặc bất cứ loại xơ dài nào bạn có thể tìm được. Xơ này giúp kết cấu của sàn chắc chắn hơn và ngăn ngừa những vết nứt cho sàn.
Sàn đất có thể được lắp đặt hệ thống sưởi (Ảnh: Sưu tầm)
Hệ thống ống sưởi của sàn có thể được lắp đặt trong lớp lót này.
Bước 6: Thi công lớp nền
Có một số cách tiếp cận bạn có thể thực hiện cho lớp này. Dùng bay láng bề mặt thật mịn và đánh bóng khi bề mặt rắn lại. Có thể láng cho bề mặt tương đối mịn và phủ lên bề mặt hiệu ứng mong muốn. Nếu đánh bóng cho bề mặt này thành lớp sàn hoàn thiện, bạn tránh phải thực hiện thêm các lớp bổ sung. Lợi ích của việc thêm một lớp cuối là sẽ dễ dàng kiểm soát kết cấu hơn là một lớp sàn dày. Bạn có thể chọn cách nào hợp lý hơn cho mình.
Dù sử dụng cách nào, mục đích của lớp này là để tạo ra một mặt sàn bằng phẳng (nếu đó là lớp hoàn thiện của bạn, thì hãy láng thật phẳng và mịn). Ở lớp đầu tiên thì những khuyết điểm nhỏ không đáng lo ngại, nhưng ở lớp này, khuyết điểm sẽ hiện rõ trong nhiều năm tới. Lớp thứ hai được sử dụng hỗn hợp giống như lớp lót, nhưng với hai điểm thay đổi:
- Nếu sử dụng đất sét từ điểm thi công, nên rây mịn hơn bằng lưới 5mm.
- Nếu sử dụng rơm ở lớp này, cắt nhỏ thành sợi 2cm hoặc ngắn hơn.
Sàn đất có thể được trộn chung với cốt liệu rơm, rạ (Ảnh: Sưu tầm)
Bởi vì những thành phần nhỏ hơn sẽ giúp cho bạn láng sàn mịn hơn. Không phải lúc nào rơm cũng được sử dụng ở công đoạn này, vì sẽ lộ ra trên bề mặt hoàn thiện, và không phải ai cũng thích hiệu ứng này. Nếu bạn không sử dụng rơm, thì điều quan trọng là phải có được tỉ lệ đất sét và cát hoàn hảo. Để làm điều này, hãy sử dụng miếng dán thử trên sàn và xem chúng khô như thế nào. Nếu vụn và yếu thì do chưa đủ đất sét, nếu bị nứt thì do thiếu cát.
Bước 7: Phủ bảo vệ và hoàn thiện bề mặt
Có một vài cách để hoàn thiện sàn đất đẹp cho bạn (đối với những công trình tự nhiên, luôn có nhiều cách để hoàn thiện).
Nếu bạn chọn thêm một lớp hoàn thiện mỏng từ đất sét, có hai lựa chọn:
- Trát một lớp hoàn thiện 3mm, giống như vữa đất, nhưng áp dụng trên sàn nhà; khi lớp này khô, trám sàn như mô tả bên dưới.
- Trát từ 1-4 lớp sơn đất sét, còn được gọi là ‘alis’; khi lớp này khô, trám sàn như mô tả bên dưới.
Nếu bạn chọn cách đánh bóng sàn, thì ngay sau khi đất sét khô hoàn toàn, bạn có thể sử dụng chất trám trét. Chất trám trét làm đặc lớp bề mặt đất sét (làm bền hơn và chống trầy xước), ngăn bụi (để bạn không dính đất sét khi ngồi), và giảm độ thấm hút (tránh vết ố và dễ dàng lau sạch).
Phủ dầu hạt lanh bảo vệ bề mặt và vệ sinh hoàn thiện lần cuối (Ảnh: Sưu tầm)
Một số chất trám phổ biến nhất là dầu đóng rắn, phản ứng với oxi trong không khí và biến đổi hóa học thành nhựa resin, trong suốt, chịu nước nhưng thoáng khí. Dầu đóng rắn bao gồm dầu hạt lanh, dầu cây gai dầu, dầu tung, dầu óc chó,... Dầu được bôi thành nhiều lớp và mỗi lớp kế được làm mỏng bằng dung môi để thúc đẩy sự hấp thụ sâu vào bề mặt sàn của bạn.
Các dung môi làm mỏng phổ biến bao gồm dung môi họ cam (từ d-limonene, tức là vỏ cam) hoặc cồn khoáng, vì vậy hãy thoải mái nghiên cứu và thử nghiệm thêm. Bạn có thể thêm bột tạo màu vào chất trám trét nếu muốn tăng cường màu sắc cho sàn nhà.
Dưới đây là những lớp thường được sử dụng để trám sàn:
- Lớp thứ nhất - dầu đóng rắn nguyên chất (1 lít bao phủ khoảng 4m2 khi sử dụng đủ cường độ).
- Lớp thứ hai - 80% dầu đóng rắn với 20% dung môi làm mỏng.
- Lớp thứ ba - 60% dầu đóng rắn với 40% dung môi làm mỏng.
- Lớp phủ thứ 4 (không bắt buộc) cho các khu vực nhiều phương tiện di chuyển hoặc ẩm ướt - 40% dầu đóng rắn với 60% dung môi làm mỏng.
- Vữa sáp ong (không bắt buộc) để hoàn thiện - nếu bạn muốn có bề mặt thực sự mịn màng, cảm giác như da, thì nên phủ một lớp sáp ong để đánh bóng mặt sàn trám của bạn.
Sàn đất sau khi hoàn thiện và đưa vào sử dụng (Ảnh: Sưu tầm)
Lưu ý về mùi: dầu cứng lại do quá trình oxi hóa, một quá trình sinh ra hợp chất andehit. Andehit là các hợp chất hữu cơ dễ bay hơi (VOC), mặc dù hợp chất được tạo ra từ dầu có lượng độc hại cực kì thấp (không giống như fomandehit gây ung thư). Tuy nhiên, chắc chắn mùi hương có thể lưu lại (đặc biệt từ dầu lanh) và một số người có vấn đề hô hấp có thể khó chịu.
Một số lưu ý cần tránh khi sử dụng sàn đất
Sau khi hoàn thiện sàn đất, cần lưu ý 1 số vấn đề trong quá trình sử dụng để độ bền và tuổi thọ của sàn đạt được cao nhất. Điều này sẽ giúp bạn tiết kiệm đáng kể chi phí sửa chữa, bảo dưỡng,...
- Không nên đi giày có đế nhọn lên sàn, tốt nhất nên tháo toàn bộ giày dép và đi chân trần.
- Không nên thi công sàn đất ở những khu vực thường xuyên ẩm ướt như phòng tắm,... vì sàn rất dễ bị thấm nước và làm hỏng phần kết cấu bên dưới.
- Không kéo lê đồ đạc nặng trên sàn, dễ làm ảnh hưởng trầy xước bề mặt, gây mất thẩm mỹ, thậm chí làm hỏng kết cấu của sàn.
Nguồn: Earthen Floors - lowimpact.org
Người dịch: Diệp Linh
Biên tập: Thùy Dung